Làm việc theo nhóm
Một tập thể làm việc hợp tác và hiệu quả là yếu tố thiết yếu cho sự thành công. Vì vậy, công ty luôn tạo điều kiện để các nhân viên làm việc theo nhóm, kết quả đạt được của nhóm chính là thành quả của mỗi cá nhân. Sự đóng góp hợp tác của từng thành viên sẽ tạo ra sức mạnh của cả công ty.
“ Không chứng tỏ cá nhân, chỉ vì lợi ích tập thể”
Trao đổi thông tin
Khuyến khích chia sẻ các quan điểm, tìm kiếm thông tin, cung cấp các dữ liệu và giải quyết các thắc mắc cùng với các cấp trực tiếp; khi cần cũng có thể tham khảo ý kiến của bất kỳ thành viên nào trong BGĐ để đi đến giải pháp sau cùng.
Đề xuất các giải pháp để thực hiện công việc.
Trưởng phòng, trưởng bộ phận là người luôn lắng nghe ý kiến, khuyến khích những nỗ lực và tìm giải pháp cho những khó khăn trong công việc.
BGĐ không chấp nhận cách truyền đạt thông tin sai lệch, đồn thổi, gây chia rẽ nội bộ, làm tinh thần làm việc và quan hệ đồng nghiệp trở nên đố kỵ và thiếu hợp tác.
“ Không chỉ trích, chỉ nói giải pháp”
Tôn trọng giá trị của nhân viên
Công ty luôn xem con người là nguồn lực quý giá nhất. Vì thế, công ty luôn tạo mọi điều kiện để nhân viên phát huy hết tiềm năng của mình bằng cách khuyến khích nhân viên học hỏi thêm và tin tưởng giao phó những trọng trách cao hơn, phù hợp với khả năng và kinh nghiệm mà năng lực bản thân nhân viên có thể đảm trách.
“Mỗi ngày làm việc, là một ngày tạo ra giá trị gia tăng”
Trách nhiệm
Nhân viên cần phải làm việc chuyên nghiệp, thấu đáo, chất lượng, hiệu quả. Đặt lợi ích chung lên trên và tuân thủ nội quy, quy định và các giá trị cốt lõi của Công ty.
“Đừng bao giờ nói “EM TƯỞNG”, sống và làm việc cần “TRÁCH NHIỆM”
Thưởng phạt phân minh
Những tập thể, cá nhân có thành tích tốt, thái độ làm việc tích cực được động viên, biểu dương và khen thưởng kịp thời. Ngược lại những tập thể, cá nhân làm việc kém hiệu quả, kỷ luật kém sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật tương thích.
“Không vụ lợi cá nhân, nhưng được ghi nhận thành tích”
Tính chuyên nghiệp trong công việc
Kế hoạch: mọi công việc phải được kế hoạch hóa, chuẩn bị chu đáo trước khi thực hiện, tuân thủ theo nguyên tắc 6W và 3H:
- Why: tại sao phải thực hiện nó, thực hiện nó thì sẽ đạt mục tiêu gì?
- What: Hành động cụ thể, cần làm gì để đạt được mục tiêu?
- Who: Ai là người tham gia hành động.
- When: Lúc nào bắt đầu thực hiện, lúc nào kết thúc, timeline hành động.
- Where: Địa điểm, không gian triển khai thực hiện.
- What if: “Nếu” – dự phòng cho các rủi ro có thể xảy ra.
- How: Làm như thế nào? --> Phương pháp thực hiện
- How much: Chi phí, ngân sách cho kế hoạch.
- How to evaluate: Đo lường kết quả, giá trị tạo ra như thế nào?
“Nếu bạn thất bại trong việc lập kế hoạch, thì kế hoạch của bạn sẽ thất bại”
Chất lượng:
Tính chuyên nghiệp được thể hiện bằng cam kết cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho Khách hàng, Đối tác với chất lượng cao, đúng tiêu chuẩn cam kết.
“Uy tín là cốt lõi của sự trường tồn” luôn luôn phải giữ chữ Tín. Nỗ lực hết mình để hoàn thành đúng các cam kết.
Nguyên tắc:
Doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc các quy định của Hiến pháp và pháp luật.
– Các phòng ban, cá nhân chấp hành nghiêm túc nguyên tắc quản lý và điều hành của doanh nghiệp.
– Chấp hành nghiêm túc và đầy đủ tất cả các quy định, chuẩn mực, quy trình làm việc, nội quy lao động của Công ty.
Biểu mẫu:
– Sử dụng đúng các biểu mẫu, tài liệu chuẩn của công ty gửi đến khách hàng, nội bộ công ty.
– Biểu mẫu phải có: tiêu đề nội dung, Logo hiện tại của Future Light, slogan của Future Light, màu sắc thương hiệu của Future Light…
– Trong nội bộ doanh nghiệp bắt buộc dùng đúng biểu mẫu được ban hành.
Quy trình:
– Tuân thủ tuyệt đối các trình tự thực hiện công việc đã được quy định, được ban lãnh đạo phổ biến và yêu cầu áp dụng
Triết lý kinh doanh KAIZEN
Kaizen là một phương pháp cải tiến liên tục có nguồn gốc từ Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, “Kai” có nghĩa là “thay đổi”, “zen” có nghĩa là “Tốt hơn, tốt lên”, Kaizen chính là liên tục thay đổi để tốt lên.
Mục tiêu của Kaizen là cải thiện năng suất, giảm lãng phí loại bỏ công việc khó khăn không cần thiết. Kaizen có hiệu quả trong việc xác định 3 loại lãng phí: Muda, Mura, Muri. Triết lý Kaizen trao quyền cho mọi người đảm nhận trách nhiệm cho các quy trình của họ và cải thiện chúng. Với Kaizen, nhân viên ở tất cả các cấp của tổ chức luôn tham gia theo dõi và xác định các cơ hội để thay đổi và cải thiện. Kaizen không chỉ là một sự kiện không lặp lại; chính xác hơn, đó là một quá trình xảy ra mỗi ngày.
Quy trình thực hiện Kaizen có 6 bước:
Bước 1: Xác định cơ hội: xem xét và nhận diện tất cả các điểm không phù hợp, lãng phí (thời gian + chi phí) để cải thiện.
Bước 2: Quan sát tình hình hiện tại: quan sát, phân tích về mọi khía cạnh của hiện tại đang có và những vấn đề cá nhân/tập thể/tổ chức đang gặp phải.
Bước 3: Khảo sát ý kiến từ người tham gia: trong các lĩnh vực chuyên môn và kể cả không chuyên môn, tất cả đều có thể đưa ra ý kiến. Trong đó với phương pháp Brainstorming (tập kích não) sẽ giúp thực hiện bước 3 đạt hiệu quả cao nhất.
Bước 4: Đề xuất phương pháp mới và cách để kiểm tra: sau bước 3 đã chọn lựa được ý kiến đóng góp thì tiến hành đưa ra các hướng giải quyết và phương pháp để kiểm tra mức độ hiệu quả.
Bước 5: Sau khi được phê duyệt, tiến hành thực hiện phương pháp và theo dõi kết quả: tạo ra một bầu không khí tích cực và thái độ lạc quan đối với việc thực hiện Kaizen để tất cả cùng tham gia và theo dõi kết quả.
Bước 6: Đánh giá phương pháp mới và tránh quay lại thói quen cũ: đánh giá kết quả của các mục hành động được thực hiện để xác định mức độ cải thiện thực tế.
**** Các chương trình của Kaizen.
A, Chương trình 5S: Cải thiện không gian nơi làm việc. (đây là chương trình phổ biến nhất được nhiều doanh nghiệp ứng dụng)
B, Chương trình KSS: Cải thiện tinh thần làm việc và sự tham gia của người lao động thông qua các kích thích về tài chính và kinh tế.
C, Chương trình QCC: Thực hiện công việc liên tục như một phần trong chương trình kiểm soát chất lượng toàn công ty, tự phát triển, giáo dục lẫn nhau.
D, Chương trình JIT: Đúng thời hạn là một kỹ thuật kiểm soát hàng tồn kho và sản xuất. Đó là một phần trong hệ thống sản xuất của Toyota. Hệ thống được Taiichi Ohno thiết kế và hoàn thiện tại Toyota chủ yếu nhằm giảm thiểu lãng phí khi sản xuất.
E, 7 công cụ thống kê: là các phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu làm căn cứ để ra các quyết định bao gồm: phương pháp thu thập và phân tầng dữ liệu, phiếu kiểm tra, biểu đồ nhân quả, biểu đồ Pareto, biểu đồ phân bố, biểu đồ phân tán, biểu đồ kiểm soát.
Thực hành 5S
– Sàng lọc (seiri): Tất cả các công cụ, vật tư, thiết bị, đồ dùng hỏng…hoặc các đồ dùng không/chưa liên quan, không/chưa cần thiết cho hoạt động sẽ phải được tách biệt ra khỏi những thứ cần thiết. Sau đó đem ra khỏi nơi làm việc. Chỉ có vật dụng cần thiết mới để tại nơi làm việc.
– Sắp xếp (Seiton): Bố trí các vật dụng làm việc tại những vị trí hợp lý sao cho dễ nhận biết, dễ lấy. Nguyên tắc chung là bất kỳ vật dụng cần thiết nào cũng có vị trí quy định riêng và kèm theo dấu hiệu nhận biết rõ ràng. Đây là hoạt động cần được tuân thủ triệt để.
– Sạch sẽ (Seiso): Đây là hoạt động vệ sinh nơi làm việc, dụng cụ làm việc hay các khu vực xung quanh nơi làm việc….
– Săn sóc (Seiketsu): Là việc duy trì định kỳ và chuẩn hóa 3 yếu tố trên một cách có hệ thống. Là một quá trình trong đó việc tuân thủ của NV luôn được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.
– Sẵn sàng (Shitsuke): Là ý thức tự giác của người lao động đối với hoạt động 5S. Các thành viên đều nhận thức rõ tầm quan trọng của 5S, tự giác và chủ động kết hợp nhuần nhuyễn các chuẩn mực 5S với công việc đang làm để đem lại năng suất cá nhân và năng suất chung của công ty cao hơn.
Quy trình thực hiện công việc PDCA – Cho bất kỳ một công việc gì
Bước 1: Plan – Lập kế hoạch
Bước 2: Do – Làm (triển khai kế hoạch)
Bước 3: Check – Kiểm tra
Bước 4: Act – Thay đổi, cải tiến
Tự nguyện tham gia hoạt động xã hội và phát triển cộng đồng
BGĐ và toàn thể nhân viên Công ty CP Future Light Việt Nam tự nguyện tham gia các hoạt động từ thiện hoặc công tác xã hội để phát triển cộng đồng, chia sẻ lợi ích và tôn trọng pháp luật.
Nhân viên Future Light cần luôn luôn sẵn sàng chung tay góp sức hỗ trợ đồng nghiệp khi đồng nghiệp gặp hoàn cảnh khó khăn.
“Bạn tạo ra giá trị cho người khác càng lớn thì giá trị của bạn càng lớn.”
Quản lý phải biết động viên nhân viên
- Cư xử với nhân viên như những cá nhân riêng biệt.
- Làm cho công việc trở nên thú vị, nhân viên yêu thích công việc.
- Tạo cơ hội trưởng thành, thử thách cho nhân viên.
- Khuyến khích hợp tác và làm việc nhóm.
- Tìm kiếm và cho thông tin phản hồi.
- Lắng nghe nhân viên.
- Khen thưởng kịp thời và thành thật khi khen ngợi.
- Giải quyết mâu thuẫn.
- Hãy nêu gương tốt.
Mong đợi của nhân viên đối với cấp trên
- Làm việc với cấp trên có kỹ năng quản lý, lãnh đạo, biết hướng dẫn, đào tạo, động viên
- Được tham gia ý kiến
- Được thấy kết quả cuối cùng của công việc họ thực hiện
- Được giao các công việc thú vị
- Được thông báo đầy đủ thông tin liên quan công việc và bản thân
- Được lắng nghe và tôn trọng
- Được ghi nhận các nỗ lực và các thành tựu được biểu dương
- Được thử thách năng lực
- Được ứng dụng sau đào tạo thông qua công việc
Người quản lý tôi thích
- Nguyên tắc – Công bằng – Thân thiện
- Phải có Quyền – Tâm – Tài – Đức
- Khen chê kịp thời
- Giữ đúng lời hứa
- Đối với nhân viên bằng cả tấm lòng
- Tin tưởng nhân viên
- Đào tạo đội ngũ & bồi dưỡng nhân tài
- Hiểu biết công việc
- Quan tâm, động viên nhân viên
- Lắng nghe nhân viên
- Quyết đoán, hòa đồng, có óc hài hước, uy tín, có chiến lược, dám làm, quyết định đúng lúc, hỗ trợ nhân viên trong công việc.
Tố chất cần có của một nhân viên ưu tú
- Hãy chào hỏi nhau vào mỗi buổi sáng khi bắt đầu cho một ngày làm việc
- Hãy nói câu “Làm ơn giúp tôi…” khi muốn ai đó giúp đỡ mình việc gì
- Hãy giúp đỡ người khác với khả năng của mình khi họ gặp khó khăn trong công việc bằng câu hỏi “Tôi có thể giúp gì được bạn?”
- Hãy nói lời cảm ơn khi ai đó giúp đỡ hoặc làm việc gì cho bạn
- Hãy nói lời xin lỗi khi làm người khác phiền lòng
- Hãy chào tạm biệt nhau mỗi khi kết thúc một ngày làm việc
- Hãy luôn mỉm cười và thể hiện thái độ ân cần vui vẻ đối với khách hàng, cấp trên, đồng nghiệp hay với nhân viên.